Nuôi cá chình thịt Bình Định

đào tạo seo - nuôi cá chình - Thép tấm

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Tuy An (Phú Yên): Nuôi cá chình bông bằng bể xi măng

Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An đã chủ trì thực hiện dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm bằng ao xi măng ngoài trời do kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cán bộ quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản xã An Ninh Tây (Tuy An) làm chủ nhiệm.

KỸ THUẬT NUÔI ĐƠN GIẢN 

Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cá chình bông có khả năng sống được ở nhiều thủy vực nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối nên ban ngày thường chui rúc trong hang, dưới đáy bể; tối mới bò ra đi kiếm ăn và di chuyển nơi khác. Những lúc trời mưa, cá thường hoạt động mạnh. Cá chình bông phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25 đến 27ºC, hàm lượng oxy hòa tan 2 đến 5mg/l. Là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình bông là tôm, cá con, động vật đáy và các sinh vật thủy sinh. Khi còn nhỏ, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn ít tơ.

Cá chình bông là loài di cư: Cá mẹ đẻ trứng ở biển sâu, cá con sau đó trôi dạt vào vùng cửa sông kiếm ăn và lớn lên. Đến lúc trưởng thành, cá lại về biển đẻ trứng. Chính vì tập tính này mà hiện nay, việc sinh sản nhân tạo cá chình còn rất khó khăn và nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Ở Phú Yên, cá chình bông con thường được đánh bắt ở sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An).

Theo kinh nghiệm của kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, để chuẩn bị nuôi cá chình bông, đầu tiên, cần làm tốt khâu chọn giống. Cỡ giống tốt nhất khoảng 100g/con, khỏe mạnh, đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh. Giống mua về để ổn định nhiệt độ trong khoảng 15 phút, sau đó thả vào trong bể nhỏ bơm sẵn nước (30cm), sục khí mạnh; tắm nhanh qua nước muối (30‰) từ 3 đến 5 phút rồi thả vào nơi đầu nguồn nước với mật độ 5 con/m2. Để cá chình phát triển tốt, cần chọn địa điểm nuôi có nguồn nước sạch, vị trí yên tĩnh, thuận tiện trong giao thông, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, có nguồn thức ăn dồi dào. Bể nuôi có diện tích 60m2, chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá trong quá trình nuôi. Tường bên trong bể láng nhẵn. Đáy bể không tráng xi măng mà được phủ một lớp đất sét dày 5 đến 10cm với độ sâu từ 1,8m đến 2m. Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 50cm đồng thời có ống cấp nước đặt cách mặt bể 50cm.

Bể sau khi xây xong, ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần. Bên trên bể nuôi cần thiết kế mái che bằng tre và lưới trủ nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi ổn định. Người nuôi cần bổ sung vòi sục khí (10 vòi/bể), sàn ăn có kích thước 60cm x 80cm (bố trí gần nơi thoát nước), hệ thống máy bơm nước, máy tạo dòng và ống nhựa làm chỗ trú ẩn cho cá. Để hạn chế thất thoát cá vào mùa mưa, mỗi bể nuôi cần bố trí lưới bao ở bề mặt bể. Tóm lại, bể nuôi chình phải chắc chắn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để cá chình phát triển tốt.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, huyện Tuy An nói chung, xã An Ninh Tây nói riêng có điều kiện thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện Tuy An chủ yếu phát triển các đối tượng nuôi nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Nghề này mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế: rủi ro, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Với mục đích đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, huyện Tuy An đã thực hiện nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng ngoài trời.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An: “Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở Tuy An. Mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: Chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Đây hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân”.

Ông Hồ Anh (An Ninh Tây, Tuy An), 1 trong 3 hộ dân tham gia nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông cho biết: “Cá chình bông là vật nuôi mới, còn nhiều lạ lẫm với người dân chúng tôi. Ban đầu, khi tiếp cận với vật nuôi này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ kỹ thuật, hiện tại, “trình độ” nuôi cá chình của các hộ dân chúng tôi phần nào đã vững vàng.

Tự tin vào tay nghề của mình nên năm sau tôi sẽ mở thêm một ao nữa. Với giá bán 400.000 đồng/kg như hiện nay, người dân chúng tôi sau một vụ nuôi 18 đến 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con. Vụ này tôi chỉ nuôi 300 con để làm quen với kỹ thuật nuôi, nhưng khi đã nắm vững, tôi sẽ nuôi theo kiểu gối đầu để năm nào cũng có chình xuất bán. Như vậy lợi nhuận sẽ nhiều hơn”.

Theo thiết kế mô hình ban đầu, cả xã An Ninh Tây có 3 hộ tham gia nuôi cá chình bông thương phẩm nhưng hiện nay, chỉ riêng thôn Bình Thạnh (An Ninh Tây) đã có 5 hộ nuôi, nhiều hộ có vốn cũng đang dự định nuôi mới hoặc tăng thêm số ao nuôi. Do có lợi thế gần biển, nguồn thức ăn cho cá chình dồi dào mà kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp nên trong thời gian tới, quy mô nuôi cá chình cũng như số hộ tham gia nuôi ở huyện Tuy An sẽ còn tăng lên.

THÁI HÀ, Báo Phú Yên, 18/11/2013
Ương và nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng

Hội đồng Khoa học – Công nghệ Phú Yên vừa xét duyệt và cho triển khai đề tài Xây dựng mô hình ương và nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng tại Phú Yên.

Đề tài do Trung tâm Khuyến ngư thực hiện, ông Nguyễn Minh Phát làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài nhằm hoàn thiện việc lắp đặt nơi trú ẩn của chình trong bể xi măng sao cho phù hợp với đặc tính sinh học để ương và nuôi tăng sản cá chình. Cụ thể là ương giống cá chình từ cỡ 300 con/kg lên 20 con/kg với tỉ lệ sống 60% trong thời gian 10 tháng, nuôi tăng sản cá chình từ cỡ 20 con/kg lên 1-1,3 kg/con với tỉ lệ sống 70% trong thời gian 14 tháng. Đề tài còn triển khai tìm ra loại thức ăn tự chế biến thích hợp cho cá chình khi ương và nuôi tăng sản. Đề tài thực hiện trong thời gian 21 tháng với kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng.

MINH NGUYỆT (Phú Yên, 28/7/2008)
Kinh nghiệm nuôi cá chình bông trong bể xi măng

Qua 5 tháng nuôi, chỉ vài tháng đầu chình có chết một ít do chưa thích nghi, từ tháng 3 trở đi rất ổn định, lớn bình thường, chưa thấy bệnh tật gì. Anh Nguyễn Văn Nghịêp dự tính sau một năm chình sẽ đạt trung bình 1,2kg/con. Nếu với giá như hiện nay 250.000 - 320.000đ/kg thì anh thu về khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công lao động, còn lại khoảng 200 triệu đồng - một con số không nhỏ đối với gia đình thuần nông như anh. Anh Nghiệp cho biết: cá chình thương phẩm không sợ không có đầu ra, có bao nhiêu các đại lý cũng mua hết, chủ yếu để xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan.

Thường trong mùa mưa - tháng 10, 11 - chình con giống bắt được trong tự nhiên nhiều nên giá hạ hơn mùa nắng. Thả giống trong mùa này chình dễ thích nghi, ít rủi ro hơn.

Sáng sớm khi cho nước vào bể, dưới giàn phun mưa, mình vàng ươm có đốm nâu tụ tập lại thành từng đàn như để hấp thụ chút không khí trong lành. Con nào con nấy sàn sàn như nhau, to hơn ngón chân cái một chút, có một số ít to bằng cái liềm. Anh Nguyễn Văn Nghiệp (Thôn 3 HTX nông nghiệp Bình Nghi 3, Tây Sơn, Bình Định) chủ nuôi cho biết: chình thả nuôi được 5 tháng nay, con lớn được khoảng 0,4kg. Cứ đà này đừng có dịch bệnh gì chừng 7 tháng nữa sẽ xuất bán chình thương phẩm, khả năng chình đạt trọng lượng 1,1-1,2kg/con.

Một dịp đến Ninh Thuận tình cờ anh Nghiệp thấy được mô hình nuôi chình bông rất có hiệu quả trong bể xi măng, anh về mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng xây bể xi măng trong vườn nhà, có diện tích chừng 100 m vuông - đáy bể đổ bêtông cốt thép, thành bể xây gạch cù, cao chừng 1,8m. Đáy bể có ống xả thải, trong bể có xây hòn non bộ, đáy rỗng ngập trong nước, trong đó có thả chà (cành cây khô) để chình ẩn náu, có non bộ để vừa đẹp vừa là giàn mưa tạo oxy cho chình. Rải rác một bên bể có đặt những ống bêtông rỗng để chình cư trú. Mực nước nuôi trong bể luôn duy trì từ 1,1-1,2m. Nước bể nuôi ở dạng tĩnh nên ngoài tạo mưa từ hòn non bộ anh phải lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng. Trên bể có mái che, có lưới để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn để ánh nắng không rọi vào nhiều.

Nước cung cấp cho bể nuôi lấy từ con suối tự nhiên bơm vào. Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, anh cho qua một bể lọc (có cát, than, sỏi ...) hàng ngày có một vài lần bơm phun mưa tạooxy từ nước suối tự nhiên hay từ chính bể nuôi bơm tuần hoàn. Phân thải, thức ăn thừa lắng ở đáy mỗi ngày anh đều dùng bàn cào gom lại và xả ra ngoài để giữ môi trường nước nuôi trong lành.

Bể anh đang nuôi 1.000 con, giống mua gom từ các đại lý mua chình thịt trong tỉnh. Mỗi con trung bình 100 g. Tổng số tiền đầu tư con giống là 25 triệu đồng. Hiện nay chưa cho chình bông sinh sản nhân tạo, chỉ khai thác từ trong tự nhiên.

Nuôi chình không khó, nên giữ cho nước nuôi trong lành, tạo thêm oxy, cho ăn đầy đủ - chình tiêu thụ thức ăn không nhiều lắm. Mỗi ngày anh Nghiệp cho ăn chừng 4kg cá tươi mua ở chợ về (giá 50.000 đồng). Cá chỉ lọc lấy thịt, cho ăn vào buổi tối. Thời gian này là lúc chình ra khỏi hang đi ăn khắp bể, ban ngày thì chui vào hang ẩn nấp. Ngoài ra còn cho ăn nhái bắt ngoài tự nhiên. Tuy vậy, nếu nuôi đại trà, quy mô lớn hơn thì nguồn giống sẽ hiếm. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để chình sinh sản nhân tạo được thì mới phát triển chình bông nuôi đại trà, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hoàng Lân (KHPT, 14/4/2006)
Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng

Cá chình có giá trị kinh tế cao, (giá thương phẩm có lúc lên đến 240.000 đ/kg) thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao. Đây là hình thức nuôi cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định. Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận có những khuyến cáo sau:

Phải có dòng nước chảy trong ao, nuôi bằng thức ăn công nghiệp chế biến riêng cho cá chình; được quản lý chăm sóc chu đáo; mật độ 20 - 25 con/m2, mật độ cao 300 - 350 con/m2. Bảo đảm các chỉ tiêu trên, năng suất có thể đạt được 30 - 45 tấn/ha (tức 3 - 4,5 kg/m2), năng suất cao có thể đạt 105 - 120 tấn/ha (tức 10,5 - 12 kg/m2).

Thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm 45%, mỡ 3%, cellulose 1%, calci 2,5%, phosphor 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70 - 75%, tinh bột 25 - 30% và một ít vi lượng, vitamin. Thức ăn của cá có tỷ lệ bột cá khá cao, mỡ nhiều nên dễ hút ẩm, dễ mốc, phải chú ý bảo quản tốt, thời gian bảo quản không quá 2 tháng. Với cá giống, khi cho ăn, thức ăn phải được thêm nước, thêm dầu dinh dưỡng trộn đều làm thành loại thức ăn mịn mới cho cá ăn. Các tỷ lệ thức ăn dầu, nước, phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ như sau :

Sau khi trộn đều 5 phút cho cá ăn ngay, khoảng 2/5 số thức ăn nổi trên mặt nước, 3/5 rơi xuống khay đựng thức ăn là được. Tỷ lệ thức ăn so với trọng lượng cá chình ở các giai đoạn như sau:

Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân cỡ để cá nhịn ăn từ 1 - 2 ngày, đùa ao để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng. Dùng vợt phân loại chứ không bắt bằng tay. Có thể nuôi ghép cá chình với cá mè, cá trắm. Mật độ cá mè, cá trắm là 4.000 - 5.000 con/ha. Cho cá ăn 1 - 2% trọng lượng cá chình có trong ao. Khi nuôi ghép cần chú ý: Đáy ao là cát hoặc bùn. Bờ ao phải cao hơn mặt nước ít nhất 60 cm, ao không rò rỉ, pH>6,8 và ít bị ảnh hưởng của nước mưa. Không nuôi ghép trong ao cá giống. Cá chình giống khỏe mạnh, không dùng giống để lại của năm trước. Khi thu hoạch, thu cá mè, trắm trước bằng lưới sau đó tháo cạn nước, để lại 10 - 20 cm nước để thu cá chình. Lợi dụng đặc điểm hướng quang của cá, ban đêm thắp đèn sáng tập trung cá lại, dùng vợt hoặc có thể dùng lưới điện để thu hoạch.

Nuôi cá chình trong ao đất cần chú ý: Chọn ao có bờ cao hơn mặt nước lúc cao nhất 60 cm trở lên, phần trên bờ ao từ 60 - 80 cm, xây gạch hoặc có gờ lưới không cho cá vượt ra khỏi ao, đáy ao là cát hoặc cát bùn, bờ và đáy ao không thẩm lậu, rò rỉ, tháo và lấy nước thuận tiện, gần nguồn điện để chạy máy sục khí hoặc chế biến thức ăn cho cá. Số lượng cá giống lúc thả 120.000 - 150.000 con/ha, cỡ từ 10 - 15 g/con. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 2 - 3% trọng lượng cá trong ao. Nuôi trong ao đất không cần phân cỡ như trong bể xây, quản lý chăm sóc hàng ngày như ao nuôi cá giống, năng suất trung bình 20 - 25 tấn/ha.

Muốn mua cá chình tại Bình Định vui lòng liên hệ: 01688809015(Ms Oanh)

Ương nuôi cá chình bông giống từ cá bột

Bình Định là một trong những tỉnh miền Trung có sự di cư của cá chình bông bột từ đại dương về sâu trong các thủy vực nội địa. Việc khai thác cá chình bông bột để ương thành cá giống cung cấp cho người nuôi là cần thiết. Đề tài: “Nghiên cứu mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bột và xây dựng quy trình ương nuôi cá chình bông bột tại Bình Định”  về cơ bản đã giải quyết được vấn  đề này.
Giống cá chình Anguilla thuộc họ Anguillidae là họ duy nhất trong 22 họ của bộ cá chình Anguilliformes sống trong nước ngọt. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, đến tuổi thành thục cá chình di cư từ sông ra biển để sinh sản. Sau đó lại từ biển về trưởng thành trong các sông suối, đầm hồ nước ngọt. Tạo giống nhân tạo là công việc cực kỳ khó khăn nên nguồn giống nuôi cho đến nay, ngay cả ở các nước có nghề cá tiên tiến trên thế giới cũng khai thác cá con về nuôi trong các trang trại nước ngọt.
Phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng
- Thực nghiệm ương cá chình giai đoạn từ cá bột đến cá hương được thực hiện trong bể xi măng tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (Trạm). Chia làm 3 nghiệm thức theo mật độ ương nuôi (1.500 con/m2, 2.000 con/m2, 2.500 con/m2).
- Thực nghiệm ương cá chình từ giai đoạn cá hương đến cá giống được thực hiện trong bể xi măng dung tích 4m3. Có 3 nghiệm thức theo mật độ ương nuôi: 150 con/m2;  200 con/m2 và 250 con/m2.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
* Kết quả thực nghiệm từ cá bột đến cá hương:
Các yếu tố phù hợp cho sự phát triển của cá chình: Nhiệt  độ trung bình từ 27.4 đến 28.3 độ C; Độ pH  từ 7.0 đến 7.5; Biến động oxy hòa tan từ 5.5 mg/l đến 6.5 mg/l;  Môi trường nước có độ mặn 0‰;  Không có NH3-N trong môi trường nuôi. Cá chình bông rất thích môi trường trong sạch, hàm lượng oxy hòa tan luôn ở mức cao. Việc thay nước trong ương cá chình bông được xem như công việc chăm sóc thường xuyên hàng ngày.
Tăng trưởng:  Giai đoạn từ cá bột đến cá hương tăng trưởng rất chậm. Tốc độ từ 0.0075g/con/ngày đến 0.0083 g/con/ngày.
 Tỉ lệ sống: 1 tháng sau khi thả cá chình bột thì có sự hao hụt rất lớn. Đây là mặt tồn tại mà chưa có giải pháp nào kể cả những nơi có kinh nghiệm ương cá chình như Trung Quốc, Đài Loan. Có nhiều lý do được đưa ra như: thức ăn cho giai đoạn này chưa phù hợp, cá chình bị sốc môi trường khi chuyển vào môi trường nhân tạo, yếu tố dịch bệnh...Vấn đề này các nước có công nghệ nuôi cá chình phát triển đều rất quan tâm.
Kết quả thực nghiệm giai đoạn từ cá hương đến cá giống:
Các yếu tố phù hợp: Mức nhiệt độ trung bình và nhiệt độ cao nhất; Độ pH từ 6.5 đến 7.5; Ô-xy hòa tan  từ 5.0 mg/l đến 6.8 mg/l ;  môi trường là nước ngọt; không có
NH3-N trong môi trường nuôi.
Tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng của cá chình bông khi ương ở mật độ từ 150 con/m2 đến 250 con/m2 khoảng 0.0265 - 0.0269 g/con/ngày. Sau thời gian ương 285 ngày đạt trung bình từ 10.12 đến 10.14g/con. Sự tăng trưởng của cá chình bông qua các tháng ương ở giai đoạn từ cá hương đến cá giống không có sự khác biệt rõ ràng về mặt thống kê.
Tỷ lệ sống: Mật độ ương cá chình càng cao thì tỉ lệ sống càng giảm. Sự hao hụt của cá chình diễn ra đều đặn và liên tục trong suốt thời gian ương.
Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình thử nghiệm và khả năng nhân rộng trong dân
Hiệu quả kinh tế: Giai đoạn từ cá bột đến cá hương cho thấy ở mật độ ương 2.500 con/m2,  kết quả hạch toán đã bị lỗ do tỉ lệ sống thấp như đã trình bày ở trên. Ở hai nghiệm thức ương với mật độ 1.500 con/m2 và 2.000 con/m2 đều có lãi với tỉ suất lợi nhuận từ 2.56%/tháng đến 2.64%/tháng.
Giai đoạn từ cá hương đến cá giống cho thấy tỉ suất lợi nhuận cao nhất là 2.89%/tháng ở nghiệm thức 150 con/m2, tỉ suất lợi nhuận thấp nhất là 1.53%/tháng ở nghiệm thức 250 con/m2. Nhìn chung cả 3 nghiệm thức ương đều có hiệu quả kinh tế.
So với nghề ương giống các đối tượng khác thì ương cá chình bông có thời gian tương đối dài, thời gian thu hồi vốn chậm. Đây là nhược điểm của nghề ương giống cá chình bông.
Hiệu quả xã hội và khả năng nhân rộng trong dân:
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đề tài đã tập huấn cho dân với nội dung: Phương pháp thu vớt cá chình bột tại các đập dâng; Tách lọc, lưu giữ và vận chuyển cá chình bột; Kỹ thuật ương nuôi cá chình giống và thương phẩm   

Nghiên cứu cách khai thác ương nuôi cá chình bông

Lâu nay trên thực tế nhiều người nuôi cá chình bông thương phẩm từ cá chình con đánh bắt được trên các đầm, cửa sông ven biển tỉnh ta. Tuy vậy việc khai thác chình bột, chình con, phương pháp nuôi hoàn toàn theo cách truyền thống, cảm tính, dẫn đến rủi ro nhiều về dịch bệnh, chình chậm lớn... Để có một quy trình ương nuôi khoa học Trung tâm Giống thủy sản Bình Định (Trung tâm) đang nghiên cứu về mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bột, quy trình ương nuôi... để chuyển giao cho người nuôi đạt hiệu quả bền vững.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, cá chình (chình bông, chình mun) có nhiều ở một số đầm, cửa sông ven biển tỉnh ta. Nhiều nhất là đầm Trà Ổ (Phù Mỹ). Chu kỳ sinh trưởng của chúng rất đặc trưng. Chúng sống trong vùng nước ngọt ở các đầm, hồ, ao. Khi đến tuổi trưởng thành, sinh sản chúng xuôi theo các dòng sông ra tít tận ngoài biển để sinh đẻ. Cho tới nay không ai xác định chúng đẻ ở đâu ngoài biển. Chình bột mới sinh ngược trở lại nơi bố mẹ chúng trưởng thành, tức là từ biển đi vào các cửa sông, ngược dòng chảy đến sinh sống tại các đầm hồ, thậm chí, vượt qua nhiều thác ghềnh, lên tận nguồn các dòng sông và trưởng thành ở đó. Cứ như vậy cá chình duy trì giống nòi từ đời này sang đời khác.
Biết được cách sinh sống di chuyển như vậy nên nhân dân nhiều nơi ven đầm, cửa sông từ bao đời nay tổ chức đánh bắt cá chình con, chình bột và cả chình trưởng thành. Cách đánh bắt thường là dùng vợt để vớt cá chình bột, đội đèn soi mé nước, bố trí chà để chình cư trú, ban ngày dùng lưới kéo, hoặc cào bãi cát để bắt chình bột, chình con. Hoặc dùng đăng, nò, đáy, đó để bắt cá chình con, chình trưởng thành. Mùa vụ chính thường là vào khoảng sau mùa mưa, khi nước trong, gió mùa đông bắc tràn về là cá chình xuất hiện nhiều. Khi nước trong đầm biển trao đổi với lưu lượng lớn dân thường đánh bắt được nhiều cá chình hơn. Cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định sản lượng đánh bắt hàng năm là bao nhiêu chỉ biết ở Bình Định cá chình có nhiều nhất là ở đầm Trà Ổ. Ở đây hầu như dân đánh bắt quanh năm. Chình trưởng thành thì bán thịt, chình con thì bán cho người nuôi. Tuy vậy theo một số người dân ven đầm Trà Ổ, ngày xưa khi chưa có đập ngăn mặn Hòa Tân (nối đầm Trà Ổ với biển) thì cá chình rất nhiều. Từ khi có đập này thì sản lượng khai thác ít đi.
Để giúp người dân khai thác, nuôi thương phẩm, đồng thời bảo tồn giống cá chình đặc hữu, quý hiếm ở tỉnh ta; Trung tâm giống Thủy sản Bình Định tổ chức nghiên cứu về mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bông bột, xây dựng quy trình ương nuôi từ giai đoạn cá bột thành cá hương, cá con giống nuôi thương phẩm. Có 4 địa điểm cửa sông được Trung tâm chọn nghiên cứu: Lại Giang, Trà Ổ, La Tinh và sông Kôn. Đây là các con sông lớn của Bình Định. Trong khoảng thời gian 9 tháng, từ tháng 3 đến tháng 12.2009, Trung tâm tổ chức nhiều đợt tìm hiểu về: mùa vụ điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy triều, tuần trăng... đến mật độ xuất hiện của cá chình bông bột.
Kết quả được khẳng định phải sau một năm nữa, đến khi kết thúc đề tài. Tuy vậy, ban đầu Trung tâm cũng sơ bộ đánh giá. Trong thời gian nói trên nhân dân các cửa sông đã vớt được 4.890 con cá chình bông bột. Nhiều nhất là vùng đập Nha Phu (sông Kôn). Chình thường từ biển vào các cửa sông ban đêm, ban ngày thường vùi mình trong cát ven biển. Tuy vậy năm nay do thời tiết biến đổi bất thường nên cá chình xuất hiện muộn hơn mọi năm 2 tháng (thường vào tháng 11 DL xuất hiện nhiều nhất). Đến cuối năm 2009 đầu 2010 cá chình mới xuất hiện nhiều. Theo KS Phan Thanh Việt - chủ nhiệm đề tài này: Sông Châu Trúc - đầm Trà Ổ chưa vớt được nhiều vì mực nước trên và dưới đập (đập Hòa Tân - PV) không chênh lệch nhiều, mùa vụ lại chậm. Khi nước chảy mạnh, chình vượt đập thì mới vớt được nhiều.
Trung tâm đã mua lại của dân trên 1.000 con cá chình bột để ương nuôi tại Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm giống thủy sản Cát Tiến. Từ cá chình bột li ti như chân nhang, sau 8 tháng nuôi thành cá chình hương đạt trọng lượng 2,01 gam/con; nuôi tiếp 10 tháng nữa, khi đạt 20g/con, thì thành cá chình giống để nuôi thương phẩm. Trong các giai đoạn nuôi thức ăn cho chình chủ yếu là thức ăn công nghiệp chế biến sẵn. Mỗi giai đoạn có thức ăn phù hợp. Có nhiều nghiệm thức nuôi khác nhau để so sánh.
Theo đánh giá của KS Phan Thanh Việt: Chình bông nuôi hoàn toàn trong môi trường nước ngọt. Sau thời gian ương nuôi từ cá bột lên cá hương tỷ lệ sống trên 50%. Tỷ lệ này rất tốt, cũng là cơ sở vững chắc để phát triển nuôi các bước tiếp theo.
Đây mới là giai đoạn đầu. Thời gian tiếp theo những người thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm các loại hình ngư lưới cụ truyền thống và hiện đại kết hợp trong khai thác cá chình bột, để tìm ra ngư cụ đánh bắt hữu hiệu nhất. Hoàn thiện quy trình ương nuôi cá chình bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống. Hướng dẫn người dân khai thác hợp lý, đề xuất phương pháp khai thác để bảo tồn nguồn lợi cá chình trên địa bàn tỉnh. Nuôi cá chình tại Bình Định

Mô hình nuôi cá chình thành công

Mô hình nuôi cá chình thành công
Đó là mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Giàu, một nông dân sản xuất giỏi ở đội 5, thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá (An Nhơn). Sau 9 tháng thả nuôi, đàn cá chình của ông Giàu đã phát triển ổn định. Ông thắng lớn nhờ thời điểm thu hoạch lại đúng vào lúc giá thu mua cá chình trên thị trường tăng cao.

Đoàn cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình nuôi cá chình của ông Giàu.

* Từ nuôi heo chuyển sang nuôi cá chình
Trước khi chuyển sang nuôi cá chình, gia đình ông Nguyễn Giàu đã được nhiều người biết đến với những dãy chuồng heo luôn "đầy ắp" với sản lượng xuất chuồng mỗi năm đạt đến hơn 3 tấn heo hơi. Với 6 sào đất chuyên trồng đậu và bắp cùng với 1 sào ruộng trồng rau muống, gia đình ông Giàu đã chủ động đến 2/3 nguồn thức ăn cho đàn heo của mình. Trong suốt nhiều năm liền, trong dãy chuồng của nhà ông Giàu luôn ổn định một đàn heo với số lượng 15 con. Bằng phương pháp nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cứ 3 tháng heo xuất chuồng 1 lần với trọng lượng đạt bình quân 70kg/con. Với 45 con heo xuất chuồng mỗi năm (hơn 3 tấn heo hơi), sau khi trừ mọi chi phí, ông Giàu đã đạt lãi ròng 36 triệu đồng - một khoản thu không nhỏ đối với một hộ nông dân.
Thế nhưng đứng trước sự bấp bênh của thị trường giá heo, ông Giàu đã thấy "xao lòng" trong chuyện làm ăn của mình. Vừa lúc ấy, GS.TS Hoàng Đức Đạt - Chuyên gia về cá thuộc Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM - nhân chuyến đi xuyên Việt để "Điều tra về nguồn lợi và sự di cư của cá chình", trong những ngày về Bình Định có ghé thăm mô hình kinh tế trang trại gia đình của ông Giàu. Nhìn ra tiềm năng của hộ nông dân sản xuất giỏi này, GS.TS Hoàng Đức Đạt đã giới thiệu với ông Giàu mô hình nuôi cá chình. Theo vị chuyên gia này cho biết thì Bình Định là một trong những khu vực phân bố chính của loài cá chình nên nguồn giống trong môi trường tự nhiên là rất lớn. Đây là một lợi thế mà những hộ chăn nuôi cần nắm bắt. Hiện nay, những hộ nuôi cá chình ở các địa phương khác như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Thuận… đều mua giống từ Bình Định. Vả lại, nuôi cá chình không tốn nhiều công lao động nên rất phù hợp với hoàn cảnh của nhiều hộ nông dân, và đặc biệt, đầu ra của cá chình là rất ổn định từ thị trường tiêu thụ trong nước và cả thị trường xuất khẩu. Sau khi được GS.TS Hoàng Đức Đạt hứa sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn và kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, ông Giàu quyết định dùng số vốn tích lũy trong quá trình chăn nuôi heo để đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá chình.
* 400 con giống trong 50m2 mặt hồ
Đã nghĩ là làm, ông Giàu tiến hành xây dựng một cái hồ rộng 50m2 (sâu 2,6m). Để bảo đảm độ ẩm và chống thấm, hồ được xây kiên cố với phần móng và tường hồ làm bằng đá chẻ cao 1,6m (phần còn lại được xây bằng gạch 6 lỗ). Với diện tích này, ông Giàu có thể thả nuôi từ 500-550 con giống (0,2kg/con). Tuy nhiên, vì là bước đầu thử nghiệm và cũng vì giá giống khá đắt (185.000đ/kg) nên ông Giàu chỉ thả nuôi 400 con (80kg giống). Vì cá chình thuộc nhóm cá ăn mồi sống chỉ thích hợp với môi trường nước sạch và có nhiều oxy nên hồ được trang bị hệ thống bơm để thay nước thường xuyên và hệ thống lọc nước sinh học nhằm tạo oxy cho cá. Thức ăn cho cá là các loại mồi sống như: cá sống, ốc, nhộng tằm, giun… cũng được làm sạch trước khi thả vào hồ để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Với 400 con giống, mỗi ngày đàn cá chình cần khoảng 8kg thức ăn. Bà Trần Thị Nhàn (62 tuổi, vợ của ông Giàu) cho biết: "Loại thức ăn mà chúng tôi chọn cho đàn cá chình của mình là cá hố bởi nó có nhiều thịt. Cá hố phải được chọn mua thật tươi, vì nếu là cá ươn thì cá chình sẽ không ăn. Sau khi mua về, cá hố được cắt bỏ đầu, băm thật nhỏ rồi để vào tủ lạnh giữ tươi cho cá ăn thành nhiều bữa. Mỗi ngày chúng tôi phải mua khoảng 10kg cá hố, giá 8.000đ/kg, như vậy mỗi ngày đàn cá chình ăn hết gần 100.000đ thức ăn".
Đến nay, sau 9 tháng thả nuôi, đàn cá chình của ông Giàu đã tăng trọng bình quân 1kg/con. Dự kiến đến 3 tháng sau (tròn 1 năm) thì trọng lượng cá chình sẽ đạt đến 1,5kg/con. Sau khi hao hụt trong suốt quá trình nuôi, hồ cá chình của ông Giàu chắc chắn sẽ còn 300 con, đến khi xuất hồ ông sẽ có khoảng 450kg cá chình thương phẩm. Với giá cá chình hiện nay là 280.000đ/kg (tại TP HCM) thì mô hình cá chình "đầu tay" sẽ cho ông Giàu khoản thu là 126 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư xây dựng hồ, cá giống và thức ăn là 57 triệu đồng, ông Giàu còn lãi ròng 69 triệu đồng.
Từ hiệu quả của hồ nuôi 50m2 nói trên, gia đình ông Giàu tiếp tục mở rộng sản xuất với một hồ khác rộng đến 250m2 để nuôi cá chình kết hợp với cá bống tượng. Ông Nguyễn Giàu cho biết: "Vì cá chình và cá bống tượng có chung một "gu" thức ăn nên việc nuôi kết hợp rất thuận lợi. Hiện dưới hồ lớn chúng tôi đã thả nuôi gần 1.500 cá bống tượng, sau 3 tháng nuôi, các con lớn nhất đã đạt trọng lượng 1,2kg/con. Theo dự trù thì trong hồ lớn này chúng tôi sẽ thả nuôi kết hợp 1.500 con cá chình. Thế nhưng, để thực hiện việc mở rộng mô hình, chúng tôi đang rất cần vốn vì số lượng giống ấy phải mua mất khoảng gần 60 triệu đồng. Chúng tôi đang trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp ngành chức năng".

  • Vũ Đình Thung